Hội thảo Khoa học: “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động quản lý ngành cấp nước và môi trường”

(VLSET, 02/05/2022) Sáng ngày 29/04/2022, Trường Kỹ thuật và Công nghệ Văn Lang phối hợp với Công ty TNHH MTV Dịch vụ Môi trường Phú Khánh tổ chức Hội thảo Khoa học: “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động quản lý ngành cấp nước và môi trường”.

Hội thảo được tổ chức với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học trong nước và nước ngoài có cơ hội giao lưu, chia sẻ những ý tưởng nghiên cứu khoa học, những giải pháp hữu ích trong lĩnh vực môi trường, xử lý nước cấp, nước thải. Những vấn đề trọng điểm được đề cập và thảo luận trong buổi hội thảo gồm: Các công nghệ tiên tiến trong ngành cấp nước và xử lý nước thải, Những giải pháp công nghệ trong kiểm soát ô nhiễm môi trường, và Áp dụng Big data cho các giải pháp an ninh.

Chủ trì Hội thảo là PGS. TS. Phạm Hồng Nhật – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Quan trắc Môi trường- Hội nước và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự Hội thảo, về phía lãnh đạo Trường có PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang (VLU); TS. Nguyễn Thúy Lan Chi – Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật và Công nghệ Văn Lang (VLSET). Về phía doanh nghiệp hợp tác có sự tham dự của ông Nguyễn Quang Khải – đại diện Công ty TNHH MTV Dịch vụ Môi trường Phú Khánh.

Không chỉ có sự góp mặt của những chuyên gia trong nước, Hội thảo còn quy tụ được những diễn giả quốc tế, là lãnh đạo của các công ty, tập đoàn uy tín của Đức, Hoa Kỳ và Israel về quản lý nguồn nước cấp, nước thải và kiểm soát ô nhiễm môi trường. Được tổ chức bằng cả hai hình thức offline và online, Hội thảo đã thu hút sự quan tâm tham gia của đông đảo các cán bộ giảng viên Trường Đại học Văn Lang, các nhà khoa học, các nhà quản lý thuộc những viện nghiên cứu, những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong ngành cấp nước và môi trường.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Thúy Lan Chi – Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật và Công nghệ Văn Lang đã gửi lời cảm ơn đến các quý vị đại biểu, các nhà khoa học đã quan tâm và dành thời gian tham dự buổi hội thảo. Cô cũng gửi gắm mong muốn Hội thảo là một diễn đàn hiệu quả để các nhà khoa học, các chuyên gia trao đổi những nghiên cứu, công nghệ mới trong lĩnh vực cấp nước và môi trường và tiến tới sự hợp tác nhằm tổ chức nhiều hơn những hội thảo chuyên môn trong tương lai.

TS. Nguyễn Thuý Lan Chi - Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật và Công nghệ Văn Lang phát biểu khai mạc Hội thảo

Chia sẻ trước Hội thảo, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang nêu bật ý nghĩa to lớn của buổi hội thảo đối với VLU trong việc ứng dụng những công nghệ mới vào lĩnh vực môi trường và quản lý nước cấp; tầm quan trọng của các công nghệ tân tiến vào sự phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới. Cô mong rằng buổi hội thảo sẽ mang lại tiếng nói chung, đem đến những đề xuất, giải pháp tốt nhất cho các vấn đề môi trường hiện nay.

PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia đã lắng nghe và thảo luận sôi nổi xung quanh 6 bài tham luận có giá trị khoa học rất cao cả về mặt lý luận và thực tiễn, bao gồm: Ứng dụng 4.0 trong công tác quản lý liên ngành, Giải pháp an ninh hệ thống sử dụng công nghệ AI & Big Data, Giải pháp chống drones thâm nhập với mục đích tấn công, Giám sát và kiểm soát nhiễm độc trong nguồn nước mặt bằng công nghệ Bioensor, Công nghệ lọc tái sinh tự động cho ngành cấp nước và xử lý nước thải, và Giải pháp vận hành và quản lý thông minh để xử lý nước mưa tại hạ tầng đô thị.

TS. Lê Hùng Tiến – Trưởng Khoa Kỹ thuật Cơ- Điện & Máy tính, VLU trình bày tham luận 1: “Ứng dụng 4.0 trong công tác quản lý liên ngành”

Bà Hồ Lê Thị Hà – Quản lý Châu Á- Thái Bình Dương, Tập đoàn Avnon, Israel trình bày tham luận 2: “Giải pháp an ninh hệ thống sử dụng công nghệ AI & Big Data”

Bà Leora Greiver Shamir – Phó giám đốc Skylock, Tập đoàn Avnon, Israel trình bày tham luận 3: “Giải pháp chống drones thâm nhập với mục đích tấn công”

Ông Rodney Chapin – Giám đốc Công ty Ardurra, Hoa Kỳ trình bày tham luận 4: “Giám sát và kiểm soát nhiễm độc trong nguồn nước mặt bằng công nghệ Bioensor”

ThS. Hồ Quang Long – đại diện Công ty STD&S- Việt Nam trình bày tham luận 5: “Công nghệ lọc tái sinh tự động cho ngành cấp nước và xử lý nước thải”

Ông Thomas Grunig – đại diện Công ty HST Systemtechnik GmBH, Đức trình bày tham luận 6: “Giải pháp vận hành và quản lý thông minh để xử lý nước mưa tại hạ tầng đô thị”

Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS. TS. Phạm Hồng Nhật - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Quan trắc Môi trường- Hội nước và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ sự vui mừng khi Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp, các bài tham luận đều nêu được các vấn đề xử lý và các giải pháp hữu ích. Những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia sẽ là cơ sở quan trọng đóng góp vào sự đổi mới và phát triển bền vững của ngành cấp nước và môi trường.

PGS. TS. Phạm Hồng Nhật - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Quan trắc Môi trường- Hội nước và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tổng kết Hội thảo.