[13-07-2022]Khoa Môi trường tổ chức Hội thảo báo cáo dự án PEER CYCLE 9 “Xử lý tồn lưu dioxin dạng vết trong đất và trầm tích bằng phương pháp nano-công nghệ sinh học”

(Vlset-13/07/2022), Ngày 13/07/2022, khoa Môi trường tổ chức hội thảo báo cáo nhằm mục đích phát triển các công nghệ xử lý sinh học với sự hỗ trợ của công nghệ nano phù hợp để loại bỏ dioxin dạng vết trong đất/trầm tích bị ô nhiễm ở Việt Nam

Các giải pháp dựa trên nền tảng tự nhiên/thiên nhiên phù hợp để xử lý dioxin dạng vết trong đất/trầm tích là rất cần thiết để khôi phục môi trường và giảm nguy cơ phơi nhiễm của người dân địa phương. Công nghệ xử lý sinh học với hỗ trợ của công nghệ nano sử dụng các vi sinh bản địa để xử lý dioxin ô nhiễm trong đất/trầm tích là một câu nghệ mới.

Đến với hội thảo ngày 13/07 có sự tham dự của GS. Nguyễn Thị Kim Oanh, TS. Nguyễn Duy Bình đại diện Nhóm điều phối và quản lý dự án (AITVN và AIT Thái Lan), GS. Trần Thị Mỹ Diệu, TS. Huỳnh Tấn Lợi, TS. Lê Thanh Điền đại diện Đại học Văn Lang, GS. Bùi Xuân Thành, cô Nguyễn Phương Thảo, cô Nguyễn Thị Kim Qui đại diện Đại học Bách Khoa HCM, GS. Dana Barr, GS. Eri Saikawa đại diện đối tác USG: Đại học Emory cùng với các bạn sinh viên đại diện đến từ khoa Môi trường.

GS.Trần Thị Mỹ Diệu – Đồng chủ nhiệm đề tài chia sẻ đầu giờ về dự án

Trước khi chính thức bắt đầu hội thảo, TS. Phùng Văn Đông – Giám đốc AIT Việt Nam đã có những chia sẻ với mọi người:”Đây chính là vinh dự của tôi khi tham gia buổi workshop ngày hôm nay. Như chúng ta đều biết, dự án này giúp xử lý tồn lưu dioxin dạng vết trong đất và trầm tích bằng phương pháp nano công nghệ sinh học. Dự án sẽ cải thiện môi trường tốt hơn và có một sự ảnh hưởng xã hội tích cực đến xung quanh. Ngoài ra, dự án cũng sẽ giúp người dân địa phương đang có điều kiện sống chưa tốt có thể có mức sống tốt hơn. Vì dịch Covid mà dự án gặp nhiều khó khăn nhưng cô Oanh đã phụ trách tốt. Giai đoạn 1 đã diễn ra rất thành công và hy vọng giai đoạn 2 cũng sẽ như thế. Dự án này không thể diễn ra nếu thiếu sự hỗ trợ của các đối tác, tôi hy vọng chúng ta sẽ có một buổi workshop thành công và một chuyến đi thực địa thành công. Xin cám ơn mọi người”.

TS. Phùng Văn Đông – Giám đốc AIT Việt Nam rất vinh dự khi có thể tham gia cùng trường Đại học Văn Lang và các đối tác trong dự án lần này

Buổi hội thảo đã diễn ra trong vòng gần 8 tiếng với các hoạt động và mục tiêu cụ thể giữa các bên đối tác như khảo sát cộng đồng vi sinh được làm giàu/tăng sinh từ môi trường bản địa thu thập từ khu vực nhiễm dioxin (sân bay Biên Hoà), khảo sát môi trường tối ưu cho quá trình xử lý sinh học của hỗn hợp đồng loại dioxin (với hàm lượng Clo khác nhau) trong đất và trầm tích, nghiên cứu hiệu quả xử lý quy mô phòng thí nghiệm, thực hiện quá trình xử lý dioxin quy mô pilot theo phương pháp công nghệ sinh học, nghiên cứu và thiết kế các hệ xử lý dioxin quy mô lớn, thông tin và phổ biến kết quả nhằm nâng cao năng lực xử lý ô nhiễm cho đối tác địa phương.

Hy vọng với những chia sẻ và thông tin được bàn luận trong hội thảo, các bạn sinh viên đã có thể học hỏi thêm được nhiều kiến thức mới và các đối tác đã đi đến những kết luận, đáp án cho các vấn đề đã được đưa ra trong buổi hội thảo về việc loại bỏ triệt để dioxin trong đất và trầm tích cũng như asen (As) khỏi các thành phần môi trường.


Tin: Khương Duy

 Ảnh: Phúc Thịnh